Đau dây thần kinh tọa ở phụ nữ mang thai

Có lẽ chúng ta sẽ tưởng tượng ra rằng bào thai trong bụng lớn lên sẽ chèn ép vào dây thần kinh tọa gây đau, nhưng thực tế cũng không hẳn là như vậy. Thực chất, những cơn đau của phụ nữ mang bầu là đau ở vành thắt lưng xương chậu, khá giống với vị trí triệu chứng của đau dây thần kinh tọa.


Dây thần kinh tọa hay còn gọi là dây thần kinh hông to, là sợi dây thần kinh lớn nhất trong cơ thể, bắt nguồn từ rễ dây thần kinh khu vực cột sống thắt lưng, kéo dài xuống qua mông hông, đùi xuống đến tận ngón chân. Nó chi phối chi dưới trên cơ thể liên quan đến cả cảm giác và vận động.

Đau dây thần kinh tọa xuất hiện khi có những yếu tố chèn ép lên gốc dây thần kinh. Thông thường, sự chèn ép này bắt nguồn từ những căn bệnh liên quan đến xương khớp như thoát vị đĩa đệm hay gai cột sống. Tuy nhiên, khi mang thai, người phụ nữ cũng có thể mắc phải bệnh đau dây thân kinh tọa

Nguyên nhân


Tỷ lệ người bị đau thần kinh tọa khi mang thai có thể từ 24 lên đến 55%, trong đó, nhiều thai phụ bị những cơn đau làm phiền đến mức mất khả năng làm việc, hoạt động bình thường. Cơn đau có thể tập trung ở vùng thắt lưng hoặc/và vùng xương chậu.

Thực tế nguyên nhân xác định cho những cơn đau thần kinh tọa khi mang thai vẫn chưa hẳn rõ ràng, có thể là cơ học tạo nên bởi bào thai, có thể là hormone. Nhưng người ta vẫn chưa chắc chắn về nguyên nhân cơ học do bào thai, vì đa phần thai phụ bị đau kể cả ở giai đoạn đầu của thai kỳ, tức là khi bào thai vẫn chưa quá phát triển, kích thước chưa đủ lớn để gây nên sự chèn ép.

Thậm chí, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng không tìm thấy mối liên quan giữa cơn đau và kích thước vòng bụng. Vậy nên người ta lại thiên về hướng suy luận khi mang bầu, trọng lượng tại vị trí tăng lên, gây những áp lực nhất định lên thân cột sống, cụ thể là đoạn cột sống thắt lưng. Đồng thời sự thay đổi của hormone cũng khiến cơ thể nhạy cảm hơn với sự quá tải này.

Đau dây thần kinh tọa khi mang thai thực tế chỉ chiếm tỷ lệ từ 1 đến 4%, và nguyên nhân chủ yếu của việc này là đĩa đệm bị chịu áp lực, dẫn đến thoát vị và chèn ép lên dây thần kinh tọa.

Những cơn đau này xuất hiện từ khá sớm ở đầu thai kỳ, càng những người trẻ tuổi lại càng có xu hướng đau nhiều hơn người nhiều tuổi. Và nếu thai phụ có tiền sử liên quan đến đau lưng thì nguy cơ mắc đau dây thần kinh tọa khi mang thai sẽ cao hơn người bình thường.


Biểu hiện đau của bệnh cụ thể là: 


Đau từ phần thấp và mặt sau của vùng thắt lưng, ngay giữa cột sống. Cơn đau gia tăng cường độ nếu có những vận động liên quan đến vùng thắt lưng như cúi ngửa, xoay người, vươn người… Những cơn đau này có thể bị nhầm lẫn với co thắt tử cung (đau không liên tục, theo từng đợt).

Cơn đau hoàn toàn có thể tự giảm sau thời gian khoảng 6 tháng hoặc sau sinh. Nhưng với nhiều trường hợp, cơn đau gây ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt, vận động nói chung và tinh thần của thai phụ, vậy nên nó cần được tác động để biến chuyển tích cực hơn.

Đối với phụ nữ mang thai, việc điều trị sẽ phức tạp và phải cẩn thận hơn rất nhiều. Chủ yếu sẽ dựa vào kết quả từ chế độ nghỉ ngơi, tập luyện ở mức độ nhẹ và dinh dưỡng đầy đủ. Cụ thể như sau:

Dùng thuốc Tây y: thuốc giảm đau sẽ chỉ được giới hạn ở paracetamol để giúp thai phụ tạm thời thoát khỏi những cơn đau. Nếu như thuốc không có tác dụng, bác sĩ sẽ phải tính đến biện pháp tiêm thấm các dẫn xuất của cortisone hoặc opioide nhưng cần hết sức cẩn thận. Không dùng thuốc chống viêm khi mang bầu.

Vật lý trị liệu: tập luyện các bài tập trong hồ bơi, châm cứu ở một số trường hợp hoặc nắn lại đốt sống trong trường hợp đốt sống có dấu hiệu lệch gây chèn ép lên dây thần kinh…

Dùng thuốc Đông y: chỉ dùng loại thuốc nước (tinh chất) có tác dụng xoa bóp ngoài da.

Trường hợp tổn thương nặng, có nguy cơ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thai phụ sẽ được chỉ định phẫu thuật, nhưng phải tiến hành sau 3 tháng đầu mang thai, hạn chế nguy cơ xảy thai. Trước phẫu thuật, thai phụ có thể được chụp MRI nhưng chống chỉ định tiêm thuốc cản quang gadolinium.

Hy vọng những chia sẽ của bác sĩ có thể giúp bạn có thêm thông tin bổ ích và có lợi cho sức khỏe. Chúc bạn luôn mạnh khỏe và thành công.

Nhận xét